Ca khúc Diễm Xưa được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết cho một người con gái Huế tên là Ngô thị Bích Diễm. Hình ảnh dịu dàng, đài các của cô nữ sinh trường Đồng Khánh đi đi về về trên những con đường đầy lá thu bay của Huế, tạo nên cảm xúc cho người nhạc sĩ tài hoa, đã làm nên một bản nhạc tình hay nhất, nổi tiếng nhất của âm nhạc Việt Nam.

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

 

Mưa thu của Huế bay từng hạt nhỏ lay phay, nhẹ nhàng mà ray rứt dài thêm nỗi nhớ ngóng chờ, của người nhạc sĩ tài hoa với người con gái ngày ngày đi qua con đường có hai hàng cây long não. Chờ em dưới cơn mưa, mưa vẫn bay bay trên tháp cổ hoàng thành xưa, cho diết da thêm nỗi buồn hoang sơ: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”. Câu nhạc cũng là câu thơ đầy hình tượng: “dài tay em”, hay dài nỗi ngóng chờ của anh?


Click vào hình để nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa trong băng nhạc Sơn Ca 7 trước năm 75

Thuở mắt xanh xao vì tình yêu kia như dự cảm được buồn nhiều hơn vui. Tình yêu ban đầu không có những buổi hẹn hò, chỉ có những buổi đứng một mình chờ người con gái đi qua mà “nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ” để mắt đợi chờ sâu thêm trên đường dài hun hút…

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…

Chỉ có mưa trên hàng lá nhỏ mới hiểu được tâm sự của người chờ đợi “ngồi ngóng những chuyến mưa qua”:

Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ
Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua
Trên bước chân em âm thầm lá đổ
Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa…

Khung cảnh mưa bay trong lòng phố Huế đã làm bối cảnh cho chuyện tình càng thơ mộng trữ tình hơn, và cảm xúc của người nghệ sĩ càng thăng hoa hơn khi lắng nghe” trên bước chân em âm thầm lá đổ”. Như cả mùa thu xao xác theo bước chân em, cho hồn chợt không là giá buốt mà trở nên “xanh buốt”! Cho mình xót xa về một tình yêu chờ đợi mà chắc gì được viên mãn ở ngày mai?

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau…

Mưa thường gợi nỗi buồn, nỗi cô đơn một mình càng buồn càng trống vắng hơn, cho nhạc sĩ tự hỏi sao “chiều nay còn mưa sao em không lại”. Và “sao em không lại” có khi chỉ là điều mong ước có nhau, làm sao cho được có nhau một khi “nhỡ mai trong cơn đau vùi”? Có khi chỉ là nỗi ước thầm “bước chân em xin về mau” để nỗi đau kia ngày mai không hằn lên bia đá quách thành, không hằn lên trái tim nghệ sĩ vốn mẫn cảm với hạnh phúc được yêu thương cũng như nỗi đau bị phụ bạc.

Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động
Làm sao em nhớ những vết chim di
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Để người phiêu lãng quên mình lãng du

Mưa làm cho lòng anh biển động hay cho đời biển động? Mai này biết em còn nhớ kỷ niệm kia sẽ như vết chim di? “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng” tâm trạng trước mưa chợt biến đổi, không còn ở thực tại là mưa trên Huế nữa mà xin mưa hãy qua miền bao la hơn, cho lòng người bao dung hơn, để “người hát rong” phiêu lãng chợt quên mình lãng du trên cuộc đời này.

Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động
Làm sao em biết bia đá không đau
Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

Em không đến, mưa vẫn mưa cho cuộc đời và lòng người biển động. Một mình chờ em trong mưa, bia đá kia cũng đau huống chi là lòng người. Và sỏi đá vô tri ngày sau cũng cần có nhau huống chi là anh với em. Nhạc sĩ cho “bia đá” và “sỏi đá” cũng cần có tình yêu với nhau, đây cũng thông điệp gửi lại cho người đời, hãy yêu thương nhau hơn từ bây giờ cho đến mai sau.

Nhạc phẩm Diễm Xưa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho mối tình đầu của mình, lồng trong không gian trầm mặc mộng mơ của Huế. Đã để lại cho đời một tuyệt phẩm đẹp từ tình ý đến giai điệu và ca từ đầy chất thơ quyện trong không khí lãng đãng huyền hoặc của Huế đầu thập niên 1960, những ngày Diễm còn Xưa

Bài: TRƯƠNG ĐÌNH TUẤN
(Ghi rõ nguồn nhacvangbolero.com khi copy bài viết)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here