Những ai đã từng một lần tới Huế, đều sẽ cảm nhận được cái buồn đặc trưng của cố đô mà không nơi nào có được. Ở đây, thời gian như là cũng lững lờ, chầm chậm trôi, như là áng mây, là cánh gió bay ngang qua những thành lũy rêu phong, những lăng tẩm cổ kính, gợi nét cổ phong độc đáo của vùng đất kinh đô xưa mà không nơi nào khác có được.

Có một chiều tôi ngồi cafe với một anh bạn sinh ra và sống ở Huế. Ngồi nhìn ra phía cầu Trường Tiền, nhìn nước Hương gợn buồn. Thấy tôi suy tư, anh nói: Huế cứ buồn như vậy hoài, cho dù thiên nhiên ưu đãi cho nhiều danh thắng, nhưng du lịch đã bị Đà Nẵng vượt qua lâu rồi.

Tôi định nói rằng: Cứ buồn buồn như vậy thì cũng hay, tuy nhiên tôi không nói. Vì nhiều người yêu Huế (mà không phải người Huế – như tôi) có thể thích một Huế buồn cổ kính hoài như vậy. Nhưng những người sống ở Huế sẽ không muốn, vì đâu phải ai cũng thích buồn?

Trong các địa phương ở khắp cả nước, có lẽ Huế được đưa vào trong nhạc nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu, vì cái gì buồn, cổ kính, thường dễ gợi nỗi niềm, gợi cảm hứng trong thi ca. Đặc biệt là trong nhạc vàng hình như là khi nào buồn thì nhạc sĩ mới viết nhạc hay được. Và gần như toàn bộ nhạc viết về Huế là những bài hát buồn, hoặc rất buồn. Sau đây là 1 ca khúc của nhạc sĩ Quốc Dũng viết cùng với Đynh Trầm Ca sau năm 1975, nhưng giai điệu và nét nhạc rất giống các ca khúc Huế viết trước 75 – Bài Mắt Huế Xưa:

Dù xa hỏi lòng quên chưa
Huế sang đông có buồn trong mưa
Như mắt xưa chiều áo tím
Giận anh nên bước đi ngoài mưa

Màu mắt Huế buồn rưng rưng
Khiến cho anh suốt đời không quên
Ôi mắt thơ đẹp ai oán
Mà phong ba vẫn luôn đón chờ

Huế buồn, mùa Đông cũng buồn, mà mưa ở Huế lại càng buồn hơn. Mưa dường như là một đặc sản của Huế: dầm dề, não nề, và được nhạc sĩ ví là buồn như đôi mắt xưa của người thiếu nữ áo tím. Dù xa đã lâu rồi, nhưng vẫn nhớ về Huế, về người xưa, đặc biệt là nhớ đôi mắt nhiều lần ngân ngấn nước vì giận người yêu, để rồi nàng vùng vằng bước đi ngoài mưa để mặc cho người ta nhìn mà xót xa và tan nát cõi lòng.

Đôi mắt đó rất đẹp, và là một nét đẹp “ai oán”. Vì sao đẹp mà ai oán? Vì nhìn trong đôi mắt đó, anh thấy được cả một vùng trời đau thương và oán hờn, vì những phong ba mà cuộc tình sẽ phải trải qua sau này:

Tàn mùa đông trên bến sông
Đôi mắt buỗn tiễn biệt anh đi
Chiều mây tím giăng mắt sầu
Xa dưới mưa tiếng vọng đò đưa

Đò xa bến người xa nhau
Khói sương bay giữa hồn thương đau
Ơi Huế ơi tìm đâu nữa
Ngày đôi ta đắm say gần nhau

Khi chiếc đò này buông mái chèo rời dòng Hương nước xanh thăm thẳm, trong một buổi chiều mùa đông mây tím giăng sầu ngập tràn cả bến sông, cũng là lúc người sẽ rời xa người. Dù đã xa lâu rồi nhưng anh mãi nhớ về đôi mi ướt và ngân ngấn nước trong khóe mắt em trong chiều lưu luyến, thấy khói sương giăng ngập cả cõi lòng đang thành cơn bão nổi. Kể từ đây, biết khi nào mới trở lại được những ngày tháng đắm say đôi ta được gần nhau. Tất cả đã qua như một giấc mơ ngọt ngào, chỉ còn lại nỗi buồn bơ vơ với nỗi nhớ đôi mắt Huế xưa buồn đến vô cùng.

Giờ thôi đã chìm trong mơ
Huế nên thơ bỗng buồn bơ vơ
Ôi mắt xưa còn đâu nữa
Còn trong ta rưng rưng nỗi buồn.

Người hát bài này thành công nhất có lẽ là Bảo Yến, là vợ của nhạc sĩ Quốc Dũng, cũng là một người được sinh ra và lớn lên ở thành nội Huế:


Click để nghe Bảo Yến hát Mắt Huế Xưa

Tại hải ngoại, ca sĩ Hương Lan đã hát ca khúc này và cũng rất được yêu thích:


Click để nghe Hương Lan hát

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here