Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922- 1998) là một trong những tên tuổi lớn nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, được các nhạc sĩ và giới hâm mộ đương thời phong là “Ông vua tango”. Có thể nói không ai sáng tác nhạc tango nhiều và hay như Hoàng Trọng. Tuy nhiên ông cũng viết nhiều ca khúc nổi tiếng có điệu nhạc khác, điển hình là điệu Valse trong bài Ngàn Thu Áo Tím, với lời nhạc rất hay của nhà thơ Lưu thị Vĩnh Phúc. Một bài hát có giai điệu nhịp nhàng, có nội dung là một bức tranh lãng mạn, bao trùm bởi màu tím…


Click để nghe Thái Thanh hát Ngàn Thu Áo Tím

Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím
Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến
Chiều xuống áo tím thường thướt tha
Bước trên đường gấm hoa
Ngắm mây chiều lướt xa

Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím
Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến
Trời đã rét mướt cùng gió mưa
Khóc anh chiều tiễn đưa
Thế thôi tàn giấc mơ…

Mở đầu vào bài hát là chuyện ngày xưa có người con gái rất yêu áo dài màu áo tím, màu áo mộng mơ và cũng là đồng phục của các trường nữ trung học thời xưa. Chỉ có áo dài tím mới thướt tha bay bay đôi tà áo, mới tôn thêm vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, và làm rung cảm biết bao nhiều người trước vẻ đẹp thanh tao đài các, đã tạo nên cảm hứng thi văn nhạc học cho các văn nhân nghệ sĩ.

Nàng con gái tuổi mới lớn trong bài hát luôn yêu màu tím của thuỷ chung, cũng là màu của áo học trò, của tuổi vô tư bước trên đường gấm hoa. Ở cái tuổi mới biết mộng mơ “Ngắm mây chiều lướt xa”, cô gái nhìn nơi đâu cũng chỉ có toàn một màu hồng mơ ước.

Nhưng từ khi yêu anh, anh cho màu tím là màu buồn của biệt ly nên bắt em “xa màu tím”. Nhưng thật oái ăm, anh không thích màu tím chia ly, nhưng lại là người làm nên sự chia ly khi mơ ước của em còn chưa kịp đến. Ông trời cũng động lòng nên làm rét mướt gió mưa trong chiều em khóc tiễn đưa anh:

Khóc anh chiều tiễn đưa.
Thế thôi tàn giấc mơ

Giấc mơ mới chớm đã vội tàn, và người em áo tím hồn nhiên ngày xưa, bây giờ phải khóc tiễn một người đi:

Anh xa xôi bóng mưa giăng mờ lối
Anh xa xôi áo bay trong chiều rơi
Anh xa xôi áo ôm tim lẻ loi
Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi

Mưa rơi rơi bóng anh như làn khói
Mưa rơi rơi bóng anh xa ngàn khơi
Mưa rơi rơi có hay chăng lòng tôi
Có hay bao giờ bóng người yêu tới.

Bóng mưa giăng mờ lối anh rồi, áo tím bay lặng lẽ trong chiều rơi, áo tím ôm trái tim em lẻ loi. Từng chuỗi điệp từ “anh xa xôi” được lặp lại, bàng hoàng xót xa nhận ra khi anh mới đó thôi đã xa xôi rồi, thì khung trời ngày xưa chỉ còn là kỷ niệm, là khung trời tím buồn nhớ nhung một mình em đếm bước lẻ loi với niềm đau tan vỡ mộng ngày nao chung đôi.

Trời vẫn mưa rơi rơi như là đồng lõa với nỗi buồn, gợi nhớ diết da “bóng anh như làn khói”, “bóng anh xa ngàn khơi”. Mưa rơi rơi có hay tâm sự lòng em đầy vơi nhớ nhung trong tiếng mưa mong chờ người yêu tới.

Mưa thường gieo u buồn mỗi khi tâm trạng đang bình yên, huống chi là khi lòng người đang âu sầu thương nhớ người yêu, nghe tiếng mưa rơi rơi như rả rích giọt buồn thấm tận tâm can, chua xót nỗi niềm ngăn cách.

Từ khi xa anh em vẫn yêu và nhớ
Mà sao anh đi đi mãi không về nữa
Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ
Khóc trong chiều gió mưa,
Khóc thương hình bóng xưa

Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím
Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím
Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau
Tháng năm càng lướt mau
Biết bao giờ thấy nhau.

Em yêu màu áo tím nên lòng em thủy chung từ khi xa anh, em vẫn yêu và nhớ. Áo tím mơ mộng ngày xưa bây giờ thành áo tím buồn ngẩn ngơ ”khóc trong chiều gió mưa” từ khi xa anh mưa gió cũng theo về. Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng người ở lại: “Khóc thương hình bóng xưa”, khóc tình duyên bẽ bàng mơ ước vừa mới chớm thì như hoa khi mới nở đã vội tàn.

“Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím” là câu hát không êm đềm nhẹ nhàng như tiếng mưa rơi, mà như âm thầm xoáy vào tâm cảm người nghe bởi hai từ “ngàn thu”. Là mãi mãi mưa buồn rơi trên áo em. Là mãi mãi đau thương vương áo em.

Người ra đi biết ngày nao mới trở lại. Biết bao giờ thấy nhau… Nên màu áo tím em mãi: Ngàn thu buồn, ngàn thu nhung nhớ…

Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here