Mặc dù phải gánh chịu biết bao nhiêu tang thương, dâu bể của thời cuộc, nhưng văn hóa của Sài Gòn xưa vẫn tồn tại sau gần nửa thế kỷ đô thành này bị đổi tên trên giấy tờ hành chính. Những người yêu mến văn hóa Sài Gòn bằng một tình yêu nhiệt thành và thuần khiết, cho đến nay vẫn đang cùng nhau gìn giữ những giá trị tinh thần của Sài Gòn ngày xưa.
Đó là những thứ cũ kỹ, mộc mạc nhưng không bao giờ bị lãng quên.
Một trong những thứ như vậy, đầu tiên phải kể đến âm nhạc. Cho dù tuổi đời các bản nhạc thu âm trước 1975 của Sài Gòn đã nhiều hơn nửa thế kỷ, nhưng nó vẫn hấp dẫn được giới nghe nhạc một cách lạ thường.
Với một nhà sản xuất âm nhạc người Đức tên là Jan Hagenkoetter, là một người không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng vẫn dành cho đô thị phồn hoa này một tình cảm đặc biệt. Anh đã bỏ nhiều thời gian và tâm huyết để thực hiện một sản phẩm mang đậm tinh thần của một Sài Gòn xưa cũ, đó là dĩa nhựa mang tên Saigon Supersound, được re-master từ những bài hát thu âm trong thời gian 1965-1975 tại Sài Gòn. Bạn có thể nghe lại sau đây.
Click để nghe 1 bài trong Saigon Supersound
Nghe những bài khác trong dĩa nhạc này tại đây: https://www.youtube.com/channel/UC_fA8_PLdnRsqnuZyn3zs9Q/videos
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế từ hơn 20 năm trước, thành phố Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều để đón nhận những làn sóng văn hóa mới được du nhập. Tuy nhiên những thay đổi chóng mặt của Sài Gòn trong vài năm gần đây làm cho người ta khó hình dung được diện mạo mới sẽ trở thành là như thế nào, và những linh hồn xưa cũ của Sài Gòn vốn còn lại rất ít sau năm 1975, nay cũng dần dần bị tan biến.
Sài Gòn đã mất EDEN, mất thương xá TAX, mất công viên Lê Lợi, công viên Chi Lăng, vòng xoay Quách Thị Trang với tượng Trần Nguyên Hãn, tất cả đều bị phá hủy bằng cách này hoặc cách khác, để nhường chỗ cho các phiên bản hào nhoáng hơn.
Đó cũng là bối cảnh ra đời của dĩa nhạc Saigon Supersound, vào đúng thời điểm Sài Gòn bị khủng hoảng về văn hóa. Khi một thành phố đang tự mình rũ bỏ đi những giá trị mang dấu ấn thời gian mà không phải là nơi nào cũng có được, thì những bản phối của âm thanh vọng về từ quá khứ, những bài nhạc đã vượt thời gian này, như là một niềm an ủi cho những người yêu văn hóa Sài Gòn xưa trong những biến đổi quá nhanh của thời đại.
Dĩa nhạc là sự pha trộn của 18 bản nhạc đặc trưng Sài Gòn, từ những ca khúc luôn được yêu mến qua mọi thời như Khánh Ly với Diễm Xưa, cho đến Kim Loan với Căn Nhà Ngoại Ô, và kích động nhạc của Mai Lệ Huyền. Tuy nhiên kết thúc dĩa nhạc là một sự ngạc nhiên khi đó là bài vọng cổ của Ngọc Giàu: 7 Câu Vọng Cổ Chúc Tết.
Nhìn thoáng qua cách chọn nhạc, có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng anh chàng Tây này không hiểu gì về âm nhạc của miền Nam ngày xưa. Tuy nhiên qua trao đổi với Hagenkoetter, tôi thấy rằng dĩa nhạc này không phải là sản phẩm hời hợt, chỉ làm cho có. Thực sự anh chàng này đã cân nhắc cẩn thận và chú ý đến từng chi tiết khi chọn nhạc.
Hơn 10 năm trước, Hagenkoetter cưới một cô vợ là Việt Kiều. Trong một chuyến du lịch dài ngày ở Sài Gòn năm 2011, anh tình cờ nghe được vài bài nhạc Việt thu âm đã nửa thế kỷ trước, và bắt đầu bị thu hút bởi những giai điệu mộc mạc, cũ kỹ này. Tại Sài Gòn, anh quen biết với Toussaint và cùng chia sẻ với nhau sở thích âm nhạc chung, đặc biệt là những bản thu âm cũ của nhạc miền Nam trước 1975.
Hai người bạn bắt đầu tìm nghe lại dòng nhạc vàng thập niên 1960 qua các loại dĩa nhựa còn lưu giữ lại được. Khi trở về Đức, Hagenkoetter đã bắt đầu dành thời gian tìm hiểu về nhạc Việt, sau đó thường xuyên trở lại Sài Gòn 1-2 lần mỗi năm để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về loại âm nhạc này.
Hagenkoetter không lạ gì với công việc sản xuất âm nhạc, vì anh đã điều hành phòng thu âm của mình trong thời gian dài. Anh cũng đã quen với những quá trình phức tạp của sản xuất âm nhạc, nhưng theo anh thì việc cho ra đời dĩa nhạc Saigon Supersound này là một thử thách đặc biệt với nhiều khó khăn khác nhau.
Hagenkoetter và Toussaint dành 5 năm đầu để nghiên cứu, tìm hiểu về bài hát thông qua các blog hoặc website chia sẻ nhạc Việt. Đó không phải là một việc dễ dàng với những người nước ngoài không hiểu tiếng Việt, họ phải nhờ một người bạn để phiên dịch. Thời gian sau đó, mọi việc dễ dàng hơn vì có nhiều bài hát nhạc vàng trước 1975 bắt đầu được đăng tải lên YouTube, đặc biệt là channel tương đối nổi tiếng mang tên Nhạc Thu Âm Trước 1975.
Ban đầu, Hagenkoetter lập danh sách 300 bài hát. Sau một vài buổi ngồi lại cùng nhau để nghe nhạc, danh sách thu gọn lại còn 180 bài. Nhưng đó vẫn là con số quá lớn. Những năm sau đó, họ tìm mua dĩa nhựa từ ebay khắp nơi trên thế giới để nghe, cũng như để tìm ra phiên bản bài hát mà họ cần có chất âm tốt nhất.
Sau một thời gian dài cân nhắc, danh sách bài hát còn lại 1/10, tức là 18 bài trong Vol 1 – Saigon Supersound mà bạn nghe ở bên trên. Thông qua sản phẩm này, Hagenkoetter và Toussaint mong muốn góp phần giới thiệu một di sản độc đáo của Sài Gòn xưa ra thế giới.
Giải thích lý do chọn 18 ca khúc này, Hagenkoetter nói rằng dĩa nhạc này không phải là một bức tranh hoàn chỉnh mô tả âm nhạc của miền Nam ngày xưa, mà chỉ là giới thiệu những ca khúc hoàn chỉnh nhất theo đánh giá của họ.
Dự án âm nhạc này có thể không thành công về mặt tài chính, nhưng ít nhất đây là sản phẩm bắt nguồn bằng sự đam mê. Hơn nữa trong thời đại mà ngay cả một tòa nhà kiên cố hàng trăm năm cũng có thể bị giật sập thành đống đổ nát trong chớp mắt, thì những sản phẩm như thế này có giá trị vô hình và trường tồn mãi với thời gian.
Nếu bạn muốn mua dĩa nhựa của Saigon Supersound, có thể đặt tại link sau:
Vol.1: https://store.hangdiathoidai.com/collections/dia-than-vinyl/products/various-artists-saigon-supersound-vol-1-vinyl-2xlp-dia-than
Vol.2: https://store.hangdiathoidai.com/collections/dia-than-vinyl/products/various-artists-saigon-supersound-vol-2-vinyl-2xlp-dia-than
Song song với dự án Saigon Supersound, Hagenkoetter còn có một ban nhạc tại Việt Nam từ năm 2016 với 5 thành viên đa quốc tịch, đó là Saigon Soul Revival, gây ấn tượng mạnh cho khán giả khi chọn cover các ca khúc vang bóng một thời, và tự sáng tác nhiều bài hát mới có giai điệu và tinh thần đúng với chất nhạc thời điểm năm 60, 70 của thế kỉ trước. Sau đây là những lời tự giới thiệu của ban nhạc:
Saigon Soul Revival theo đuổi dự án nhằm đánh thức những âm thanh nguyên sơ của thập niên 60 và 70 ở miền Nam Việt Nam. Dòng âm nhạc một thời đã làm thổn thức bao trái tim, những âm thanh quen thuộc vang lên từ các câu lạc bộ âm nhạc cho đến khắp đường phố với những thông điệp về khát vọng tự do, về tình yêu và cả nỗi đau.
Chúng tôi tưởng nhớ đến các nghệ sỹ và một kỷ nguyên đã làm nền tảng mạnh mẽ cho dòng Nhạc Vàng. Saigon Soul Revival diễn giải âm nhạc theo cách riêng của mình và hoà âm theo phong cách đương đại với những bài hát xưa.
Đông Kha
(Lược dịch từ bài báo tiếng Anh của tác giả Khoi Pham đăng trên Saigoneers.com)