Có thể sẽ ít người nhớ đến tên tuổi của nhạc sĩ Thanh Bình, nhưng không người yêu nhạc vàng nào mà không biết đến hoặc từng nghe những câu hát này của ông trong ca khúc Tình Lỡ:

Thôi rồi còn chi đâu em ơi!
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi…


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ trước 1975

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932 ở Bắc Ninh. Vì sớm mồ côi cha mẹ nên thời còn trẻ ông đã phải phiêu dạt nhiều nơi, từ Hải Phòng, Thanh Hoá, Nam Định đến Thái Bình, Hưng Yên… Tuổi 20, chàng trai Nguyễn Ngọc Minh bắt đầu tìm kiếm cơ hội mưu sinh bằng nghề viết truyện và viết báo, đưa tin về văn hoá văn nghệ với bút danh Thanh Bình. Sau này sáng tác nhạc, ông cũng lấy bút danh là Thanh Bình.

Nhưng đáng buồn là cuộc đời ông không được “thanh bình” như tên gọi.

Năm 1954, ông di cư vào sống ở miền Nam.

Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Thanh Bình là Những Nẻo Đường Việt Nam. Sau đó ông sáng tác khá nhiều ca khúc, nhưng nổi tiếng nhất và gần như là ca khúc duy nhất được công chúng yêu thích, đó là bài Tình Lỡ, được viết cho một mối tình đã bị chia cách vào thời điểm đất nước bị chia đôi năm 1954, khi đó một người đi và một người ở lại.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Thanh Bình đã từng nói về mối tình của ông với người con gái đất cảng Hải Phòng rất xinh đẹp tên là Hằng như sau:

“Ca khúc Tình Lỡ tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 22 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào”

Đầu năm 1956, từ miền Nam, nhạc sĩ Thanh Bình nghe tin cô Hằng đã được bố mẹ gả vào một gia đình môn đăng hộ đối.

Nghẹn ngào, ông viết ca khúc Tình Lỡ để tiếc nhớ mỗi tình xa xưa:

Thôi rồi, còn chi đâu em ơi!
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi

Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay…

Trong lời đề tựa khi phát hành nhạc tờ bài hát này, nhạc sĩ Thanh Bình ghi những câu thơ của chính ông:

Thôi thế từ nay cách biệt rồi
Đường đôi lứa rẽ đôi nơi
Từ đây vĩnh viễn xa nhau mãi
Vĩnh viễn xa nhau đến trọn đời

Em có khi nào nhớ đến anh
Chỉ xin một phút lặng sau mành
Anh từ đây sẽ không yêu nữa
Để giữ trong anh một bóng hình (T.B)

Bức ảnh chân dung tác giả in từ mặt sau của tờ nhạc bài hát Tình Lỡ cho thấy rằng nhạc sĩ Thanh Bình thời trẻ rất điển trai. Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ngoài ra, ông từng là người viết văn và làm thơ nên ca từ trong nhạc của ông cũng rất đẹp và nên thơ, phảng phất nỗi buồn đau chua xót:

Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi thu thiết tha…

Sau đó, vào năm 1970, đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện bộ phim điên ảnh “Nàng” với vai chính thuộc về đôi tài tử lừng danh Thẩm Thuý Hằng và Trần Quang, và bài hát Tình Lỡ trở thành ca khúc chính trong bộ phim này.


Bài Tìnnh Lỡ trong phim Nàng với minh tinh Thẩm Thúy Hằng, giọng ca Khánh Ly

Người thể hiện bài hát lúc đó và Khánh Ly, và cho đến nay, Khánh Ly vẫn là người thể hiện thành công nhất “Tình Lỡ”.

Thành công tuyệt phẩm này không đưa tên tuổi Thanh Bình trở thành 1 nhạc sĩ tiêu biểu của miền Nam trước 1975, bởi vì sau đó ông chọn một cuộc sống bình dị. Lúc sinh thời, ông từng nói rằng sở dĩ ông có ít bài hát như vậy là vì ông không sáng tác vì tiền, mà chỉ khi có cảm xúc thì mới sáng tác được. Có lẽ vì vậy mà ca khúc Tình Lỡ dạt dào những cảm xúc thật của mối tình thời tuổi trẻ.


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ sau năm 1975

Năm 1973, nhạc sĩ Thanh Bình cưới vợ, ông sinh sống bằng nghề dạy ngoại ngữ, rồi sau năm 1975 cùng vợ mở một quán cơm bình dân ở quận 1. Họ chỉ có 1 cô con gái tên là Mộng Ngọc.

Hạnh phúc bình dị đó không tồn tại được lâu, người vợ bỏ đi khi người con gái mới được 3 tuổi. Đó là thời điểm sau năm 1975, cuộc sống của tất cả mọi người đều lâm vào hoàn cảnh khó khăn chung, có lẽ người vợ không chịu nổi khốn khó nên đã ra đi biệt tăm. Nhạc sĩ Thanh Bình lâm vào cảnh gà trống nuôi con trong muôn vàn khó khăn.

Nhưng chưa dừng ở đó, cuộc đời luôn ném ông vào những khoảng trời cay đắng. Người con gái lớn lên, theo chồng buôn bán và không may vướng phải nợ nần, lâm vào cảnh tù tội.

Cuộc sống của nhạc sĩ Thanh Bình vào những năm cuối đời rất thê lương. Ông sống cùng con gái và con rể nhiều năm trong căn nhà thuê ở quận Gò Vấp. Năm 2013, sau khi con gái bị tù khoảng 1 năm thì người con rể mang ông ra bỏ ở bến xe Miền Đông, rồi mặc cho ông già đã 81 tuổi gầy gò, mắc nhiều chứng bệnh bơ vơ giữa chốn đông người cùng với thùng quần áo cũ kỹ chỉ với 200 ngàn đồng trong túi.

Ông sống lay lắt giữa lề đường như vậy trong 18 ngày với bánh mì cầm hơi hoặc ăn tạm miếng cháo, ngả lưng ở manh chiếu được thuê với giá 500 đồng/ngày, tìm đại chỗ trống bên đường để ngủ qua đêm.

Khi biết tin, người cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình là cậu ruột tên là Phượng đã đón ông về để chăm lo nuôi dưỡng cho đến khi ông qua đời chỉ 1 năm sau đó (ngày 23/5/2014). Cô Phượng cũng không phải là người khá giả, khi phải sống trong căn nhà 21m2 có tám nhân khẩu bên bờ kênh Nhiêu Lộc.

Trước đó, vào tháng 1 năm 2014, khi nghe hoàn cảnh của nhạc sĩ Thanh Bình, ca sĩ Ánh Tuyết đã tổ chức đêm nhạc tại phòng trà WE mang tên Tình Lỡ để ủng hộ tài chính phần nào cho ông.

Ca sĩ Ánh Tuyết và nhạc sĩ Thanh Bình, chỉ vài tháng trước khi ông qua đời

Thật đau xót cho một người cha như nhạc sĩ Thanh Bình, khi ông mất mà không gặp lại được lần sau cuối người con gái duy nhất đang tù tội. Có nhiều lần cô Phượng thấy ông ngồi khóc một mình, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Cậu nhớ con Ngọc quá! Không biết bao giờ mới được gặp lại nó đây? Chỉ sợ cậu ra đi mà chưa gặp lại con”. Cô Phượng kể là những lá thư mà cô Ngọc gửi về, ông cất giữ cẩn thận và mang ra đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc là đỏ hoe mắt.

Sau khi nhạc sĩ Thanh Bình qua đời không lâu, con gái ông mới được trở về sau khi mãn hạn tù và nhận được cuốn số tiết kiệm 255 triệu đồng của những người hảo tâm ủng hộ cha mình. Dù số tiền không lớn lắm nhưng là cả một gia tài đồi với một người đàn bà từng lầm lỡ muốn làm lại cuộc đời, là món quà thừa kế đáng giá của người cha tài hoa đã trải qua một đời đau buồn.

Nay nhạc sĩ Thanh Bình qua đời đã lâu, nhưng những giai điệu của bài hát Tình Lỡ vẫn vang mãi trong lòng người nghe nhạc những giai điệu chậm buồn, một nỗi buồn như cuộc đời của chính tác giả, người đã mồ côi cha mẹ từ thuở thiếu thời, và kết thúc cuộc đời mình trong nghèo khổ:

Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi…

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here