Trong làng nhạc trữ tình miền Nam trước năm 1975 với hàng trăm ca sĩ nổi tiếng, người ta thường nhắc nhiều nhất đến 3 nữ danh ca, đó là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu. Điều đó cho thấy đóng góp to lớn của những nữ ca sĩ này trong tân nhạc Việt Nam.


Click để nghe Lệ Thu hát trước 1975

Nếu như tên tuổi Thái Thanh đi liền với nhạc Phạm Duy, Khánh Ly thường được gắn với nhạc Trịnh Công Sơn, thì tên tuổi của Lệ Thu không đi liền với bất kỳ nhạc sĩ nào, nhưng cô là người trình bày rất thành công nhạc của rất nhiều nhạc sĩ là Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến… và nhiều ca khúc tiền chiến, trữ tình khác trước năm 1975.

Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng và trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông, tại đây cô được theo học đàn piano từ nhỏ. Lệ Thu là người con duy nhất còn lại trong số 8 anh chị em, 7 người còn lại bị mất từ sớm. Năm 1953 Lệ Thu cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.

Tại Sài Gòn, gần nhà có một ông thầy dạy guitar và Lệ Thu theo học đàn hát được một thời gian. Cô cũng có mặt trong ban thiếu nhi của nhạc sĩ Ngọc Bích mang tên Tuổi Xuân, gồm có các tên tuổi mà sau này đều trở thành tên tuổi lớn là Mai Hương, Khánh Ly, Quỳnh Giao.

Ca sĩ Lệ Thu từng nói rằng cô đã gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp rất suôn sẻ, ít gặp phải chướng ngại lớn. Khởi đầu sự nghiệp lừng lẫy của Lệ Thu chỉ là một sự tình cờ. Đó là vào năm 1959, khi vẫn còn đang theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers ở Tân Định, Lệ Thu đi ăn sinh nhật người bạn cùng trường tại phòng trà Bồng Lai. Lúc đó bạn bè biết cô hát hay nên đề nghị lên hát góp vui, và Lệ Thu đã chọn hát bài hát đầu tiên là Tà Áo Xanh. Ông chủ của phòng trà cũng có mặt đêm đó, nhận thấy khả năng lớn của một cô gái mới 16 tuổi nên muốn mời cô hợp tác với phòng trà.

Lệ Thu năm 22 tuổi. Ảnh: Jimmy

Ban đầu Lệ Thu từ chối vì mẹ không thích cho đi hát chuyên nghiệp. Ông chủ đề nghị cô chỉ khoảng 2,3 bài mỗi đêm từ 9h-10h tối nên cô đồng ý và bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình với một mức thù lao rất hậu hĩnh đối với cô gái còn đang đi học.

Mỗi ngày Lệ Thu vắng nhà 1 tiếng đồng hồ và giấu mẹ nói là tới nhà bạn để học. Tuy nhiên sau đó thì mẹ cô cũng biết và cấm cửa ở nhà, ông chủ phòng trà Bồng Lai phải tới thuyết phục và mời mẹ của cô đến phòng trà nghe con gái hát. Nhìn thấy tận mắt con gái được khán giả tận thưởng nồng nhiệt sau mỗi bài hát, cuối cùng mẹ của Lệ Thu cũng đồng ý.

Sau phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với Trúc Lâm Trà Thất của nhạc sĩ Mạnh Phát, sau đó nữa là vũ trường Tự Do vào năm 1962.

Thời gian đầu đi hát, Lệ Thu chủ yếu hát nhạc ngoại quốc giống như các đàn chị là Bích Chiêu, Bạch Yến, và bài hát nhạc Việt đầu tiên mà cô thu trong dĩa Sóng Ngọc là Xin Mặt Trời Ngủ Yên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ đó Lệ Thu cảm thấy thích thú với nhạc Việt nên hát thêm một số ca khúc khác của Trịnh Công Sơn là Lời Buồn Thánh, Diễm Xưa… Một thời gian sau, Trịnh Công Sơn sáng tác bài Hạ Trắng và mời Lệ Thu hát thu âm đầu tiên vào dĩa nhựa.

Như vậy trước Khánh Ly thì ca sĩ Lệ Thu hát nhiều nhạc Trịnh nhất. Thời điểm nửa đầu thập niên 1960, Khánh Ly đã chuyển lên sinh sống ở Đà Lạt, và người được Trịnh Công Sơn mời đi hát du ca đầu tiên ở các trường đại học là Lệ Thu. Tuy nhiên cô chỉ tham gia được một thời gian ngắn thì được Jo Marcel mời hát độc quyền ở phòng trà Queen Bee, vì không còn thời gian nên Lệ Thu không đi hát du ca như vậy nữa, thay thế cô là ca sĩ Khánh Ly từ năm 1967, được Trịnh Công Sơn mời về từ Đà Lạt.

Từ sau đó Lệ Thu dần nổi tiếng và trở thành một ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn và được báo giới gọi danh hiệu là “nữ hoàng phòng trà”. Nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu ca “Ngậm Ngùi” ở phòng trà Queen Bee, đã viết một bài báo gọi cô là “Giọng hát vàng mười”, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.

Ca sĩ Lệ Thu từng lý giải cho thành công tột bậc của mình giữa rất nhiều ca sĩ khác, đó là vì giọng hát alto của cô rất khác biệt được lấy hơi từ bụng, mới lạ so với các đàn chị thường hát giọng mũi, nên được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hàng đêm cô còn ký giao kèo thu âm băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát. Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do cho đến khi vũ trường này bị nổ hơn một năm sau.

Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội và Mẹ Việt Nam và thu âm cho nhiều băng nhạc. Cô cùng với chồng lúc đó là ký giả Hồng Dương cũng thành lập hãng băng riêng và phát hành được một số băng nhạc tiếng hát Lệ Thu, nhưng băng nhạc Lệ Thu nổi tiếng nhất trước năm 1975 có lẽ là Sơn Ca 9 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện.

Những hãng băng dĩa mà Lệ Thu hợp tác thu âm trước năm 1975: hãng đĩa Việt Nam, Sóng Nhạc, Sơn Ca, Tình Ca Quê Hương, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Capitols.

Thâu băng cho các chương trình Shotguns, Thanh Thúy, Phạm Mạnh Cương, Diễm Ca, Nhã Ca, Thương Ca, Việt Nam, Cỏ May-Duy Khánh, Sơn Ca-Continental-Premier, Nhạc Trẻ, Song Ngọc, Siêu Âm, Bảo Thu, Anh Việt Thu, Trần Ngọc Đức, Jo Marcel, Mây Hồng.

Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn trước năm 1975.

Khánh Ly – Lệ Thu – Thái Thanh

Lệ Thu cũng là một trong những nữ ca sĩ được nhiều nhạc sĩ viết nhạc cho nhiều nhất, có thể kể đến Nước Mắt Mùa Thu của Phạm Duy, Xin Còn Gọi Tên Nhau của Trường Sa, Chiếc Lá Thu Phai của Trịnh Công Sơn.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Lệ Thu đến phi trường, bước chân đến máy bay chuẩn bị đi di tản, nhưng rồi cô quyết định quay về vì còn mẹ ở lại, và cô là con gái duy nhất.

Sau đó Lệ Thu nhận lời gia nhập đoàn kịch Kim Cương để đi trình diễn những ca khúc nhạc mới và có những thành công nhất định với các bài Tự Nguyện, Hà Nội Niềm Tin Và Hy Vọng. Khoảng năm 1978, Lệ Thu có mở một hàng cà phê mang tên con gái út là Thu Uyển trên đường Phan Tôn, Tân Định với sự cộng tác của Thanh Lan và nhạc sĩ Lê Văn Thiện.

Tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu cũng vượt biên và đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California.

Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát và thu âm trong rất nhiều băng đĩa nhạc tại hải ngoại. Từ năm 2007, cô bắt đầu trở về nước để biểu diễn cho đến nay.

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here