Trịnh Công Sơn được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Đặc biệt là kể từ sau năm 1975, Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhạc sĩ sinh sống ở miền Nam trước 75 được cấp phép phổ biến tác phẩm đầu tiên, nên ông là tác giả được nhiều người tìm đến nhất.

Đối với nhiều người, nhạc của Trịnh Công Sơn mang nhiều nét khác biệt dễ nhận thấy, nên có nhiều nơi xếp nhạc của ông thành một thể loại riêng biệt, gọi là Nhạc Trịnh.

Nhạc Trịnh có thể chia thành 3 chủ đề lớn: Nhạc về tình yêu, nhạc về thân phận con người và nhạc phản chiến (ca khúc Da Vàng). Dòng nhạc này được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra còn có thể kể đến Lệ Thu, Hồng Nhung, Trịnh Vĩnh Trinh.

Trịnh Công Sơn từng nhắc đến 3 giọng ca nữ gắn bó nhất đối với cuộc đời của ông, đó là Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh và Hồng Nhung.

Trịnh Công Sơn được sinh ra ở Đắk Lắk, nhưng quê gốc ở làng Minh Hương, xã Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lycée Français (nay là tiểu học Lê Lợi) và Providence (nay là ĐH Khoc Học) ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau Sài Gòn (nay là trường Lê Quý Đôn) và tốt nghiệp tú tài tại đây.

Theo lời kể của chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vào năm 1957, khi 18 tuổi, ông bị một tai nạn, khi đang tập judo với người em trai, bị thương nặng ở ngực phải nằm liệt giường gần hai năm tại Huế. Đó là sự kiện quan trọng nhất trong đời đã đưa ông đến với âm nhạc.

Thời gian nằm bệnh, Trịnh Công Sơn đọc nhiều sách về triết học, văn học, tìm hiểu dân ca. Ông từng thổ lộ: “Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có một niềm đam mê khác – âm nhạc. Nói như vậy hình như không chính xác, có thể những điều mơ ước, khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy”.

Theo ông cho biết, ông sáng tác 2 bài hát đầu tay là Sương ĐêmSao Chiều vào năm 17 tuổi. Nhưng tác phẩm được công bố đầu tiên của ông là Ướt Mi, do nhà xuất bản An Phú in năm 1959 và qua giọng ca Thanh Thúy.

Xuất xứ của bài hát được công chúng biết đến đầu tiên là Ướt Mi được nhạc sĩ họ Trịnh kể lại rằng đó là năm 1958, ông thấy ca sĩ Thanh Thúy, lúc đó mới 16 tuổi, hằng đêm hát Giọt Mưa Thu ở phòng trà, rồi trở về trong đêm để chăm sóc người mẹ già lao phổi. Cô vừa hát vừa khóc vì thương mẹ. Những giọt nước mắt đó được Trịnh Công Sơn ví như là một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của ông, làm nên cảm tác để ông viết nhạc.

Năm 1961 vì muốn tránh thi hành nghĩa vụ quân sự nên ông thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Tuy nhiên đầu thập niên 1960, tên tuổi Trịnh Công Sơn vẫn còn mờ nhạc trong làng nhạc Sài Gòn. Ông vừa dạy học ở Bảo Lộc vừa viết nhạc gửi về thành đô. Năm 1964, ông tình cờ gặp Khánh Ly đang sinh sống ở Đà Lạt. Nhận thấy tiềm năng của giọng ca này, ông liền mời Khánh Ly về Sài Gòn để hoạt động âm nhạc, nhưng cô từ chối. Đến năm 1967, họ tình cờ gặp lại ở Sài Gòn, rồi kết hợp với nhau để từ đó trở thành cặp đôi ca sĩ – nhạc sĩ huyền thoại.

Từ đó tên tuổi của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến hơn, khởi đầu là ông cùng ca sĩ Khánh Ly hát tại Quán Văn, một quán cà phê đơn sơ dựng trên bãi đất cỏ sau Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong những năm sau đó, nhạc của ông được phổ biến và được nhiều ca sĩ trình diễn, đặc biệt là Khánh Ly.

Ông kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài hát của mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly. Tôi đã mời Khánh Ly hát và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly”.

Ca sĩ Khánh Ly cũng kể lại vào thời gian đó: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Nhạc của Trịnh Công Sơn đã vượt tầm trong nước để trở nên rất được yêu thích tại Nhật Bản. Năm 1970, các ca khúc Diễm Xưa, Ca Dao Mẹ, Ngủ Đi Con đã đến được công chúng Nhật qua tiếng hát Khánh Ly, hát bằng lời Nhật. Riêng bài Ngủ Đi Con đã phát hành trên hai triệu đĩa than, một con số rất lớn vào thời đó.

Nhiều ca khúc thuộc mảng “ca khúc Da Vàng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mang chất “phản chiến”, nên nhà cầm quyền miền Nam khi đó đã cấm lưu hành vài tác phẩm của ông. Theo tác giả Ban Mai, nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến bị cả hai chính quyền Bắc và Nam khi đó cấm lưu hành. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng không tán thành thái độ phản chiến của ông về chiến tranh, vốn mang tính “chủ hòa, ủy mị”, làm nản lòng những người đang đấu tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước.

Một thời gian dài sau 1975, nhiều bài hát của ông bị cấm lưu hành ở tại Việt Nam, thậm chí tại hải ngoại, ông cũng bị một số người kêu gọi tẩy chay. Tuy nhiên, Khánh Ly và nhiều ca sĩ vẫn tiếp tục hát và phát hành những băng đĩa với ca khúc của ông tại hải ngoại.

Những năm sau 1975, sau thời gian phải học tập chính trị, ông làm việc tại Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Sóng nhạc. Từ đầu thập niên 1980, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác lại, lúc đầu một số sáng tác ông gởi qua cho Khánh Ly và chỉ phát hành tại hải ngoại. Từ thập niên 1990, nhà nước Việt Nam đã nới lỏng quản lý văn nghệ, ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị như Xin Trả Nợ Người, Sóng Về Đâu, Biển Nghìn Thu Ở Lại…

Cuối đời, Trịnh Công Sơn bị bệnh gan, thận và tiểu đường. Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng sáng tác những ca khúc mới trong những năm cuối đời mình.

Ông mất tại Sài Gòn vì bệnh tiểu đường vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, hàng ngàn người đã đến viếng tang và “có thể nói, chưa có nhạc sĩ nào mất đi lại được công chúng thương tiếc như Trịnh Công Sơn”. Ông được an táng tại Nghĩa trang chùa Quảng Bình (phường Bình Chiểu – quận Thủ Đức). Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy ngày này làm ngày tưởng niệm.

Theo gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông sáng tác được khoảng hơn 600 ca khúc trong sự nghiệp, tuy nhiên hiện nay chỉ có 77 bài được cấp phép lưu hành ở trong nước. Theo Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam (VCPMC) Chi nhánh phía Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất với hơn 820 triệu đồng trong năm 2015 và luôn trong top 5 nhạc sĩ có tiền trả tác quyền cao nhất.

Tuy nhiên, có một đánh giá khá phổ biến cho rằng phần nhạc của Trịnh Công Sơn quá đơn điệu về đề tài, chủ yếu tập trung vào tâm trạng mơ hồ, mộng tưởng. Đánh giá này trùng khớp với lời lý giải của ông về sự sáng tác của mình: “Tôi chỉ là 1 tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo…”. Ba mảng đề tài lớn nhất trong âm nhạc Trịnh Công Sơn là tình yêu, thân phận con người và nhạc phản chiến (thường được gọi tên là Ca khúc Da Vàng).

Những chủ đề chính trong nhạc Trịnh:

Nhạc tình yêu:

Tình yêu là đề tài lớn và ảnh hưởng nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Những bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Từ năm 1958 ông viết “Ướt Mi”, cho đến thập niên 1990 ông vẫn có những bản tình ca được công chúng yêu thích: “Như Một Lời Chia Tay”, “Xin Trả Nợ Người”, “Sóng Về Đâu”…

Nhạc tình của ông đa số là nhạc buồn, một nỗi buồn mênh mang của kiếp người như “Diễm Xưa”, “Biển Nhớ”, “Tình Xa”, “Tình Sầu”, “Tình Nhớ”, “Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên”, “Hoa Vàng Mấy Độ”, “Mưa Hồng”…

Rất nhiều ca khúc tình ca được ông viết dành tặng cho Dao Ánh, đó là Tuổi Đá Buồn, Mưa Hồng, Còn Tuổi Nào Cho Em. Ngoài ra còn rất nhiều bóng hồng đi qua đời nhạc sĩ và xuất hiện trong Nhạc Trịnh như Bích Diễm (bài Diễm Xưa), Bích Khê (bài Biển Nhớ)…

Những bài hát tình ca này thường mang giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm, thích hợp với điệu Slow, Blues hay Boston. Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ, nhiều chiêm nghiệm nhờ những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ… đôi khi pha lẫn hơi hướng siêu thực, trừu tượng.

Nhạc tình của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam và hải ngoại. Tuy rằng không được giới chuyên môn đánh giá cao về phần âm nhạc, nhưng với giai điệu gần gũi và ca từ có màu trừu tượng, ý nghĩa sâu lắng, nhạc của ông dễ dàng đi vào lòng công chúng.

Nhạc về thân phận con người

Trịnh Công Sơn từng nói từ khi còn trẻ ông đã luôn ám ảnh bởi cái chết nên âm nhạc của ông mang trong đó một sự mất mát của những số phận con người. Ông cũng ảnh hưởng bởi Phật giáo của phương Đông và chủ nghĩa siêu thực của phương Tây, nhạc Trịnh Công Sơn thấm đượm màu sắc hiện sinh, buồn bã của các tác giả văn học phương Tây thập niên 60. Tiêu biểu của thể loại này là các ca khúc Cát Bụi, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, Chiếc Lá Thu Phai, Một Cõi Đi Về, Phôi Pha, Phúc Âm Buồn, Du Mục, Vết Lăn Trầm, Cỏ Xót Xa Đưa…. Bên cạnh đó, có những bài tuy là nhạc buồn nhưng có gợi nên tư tưởng thiền như Một Cõi Đi Về, Giọt Nước Cành Sen.

Nhạc phản chiến

Khi tên tuổi định hình bằng nhạc tình, thì vai trò xã hội của Trịnh Công Sơn lại gắn liền với một loại nhạc mang tính kêu gọi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến, hay còn gọi là Ca khúc da vàng theo tên các tập nhạc của ông phát hành cuối thập niên 1960. Những “ca khúc da vàng” thường nói lên thân phận của những người dân một nước nhỏ bị lôi kéo vào trong vòng toan tính, giành giật ảnh hưởng của những nước lớn (thường là khác màu da).


Băng nhạc Hát Cho Quê Hương Việt Nam – ca sĩ Khánh Ly

Theo tác giả Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác thể loại nhạc này vào khoảng năm 1965 – 1966, khi tình hình chiến cuộc ở miền nam đang cao trào. Năm 1966, ông cho ra đời tập Ca khúc Trịnh Công Sơn, trong đó có manh nha một xu hướng chính trị yếm thế. Đến năm 1967, nhạc Trịnh Công Sơn lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập Ca khúc da vàng. Năm sau, ông cho ra tiếp tập Kinh Việt Nam. Từ năm 1970 tới 1972 ông tự ấn hành được hai tập nhạc phản chiến là Ta phải thấy mặt trờiPhụ khúc da vàng. Trong các băng nhạc Hát cho Quê hương Việt Nam của Khánh Ly, những ca khúc phản chiến được bố trí khéo léo đan xen với các ca khúc trữ tình khác để dễ xin phép lưu hành. Những tập ca khúc vừa kể đều được phát hành hợp pháp tại miền Nam trước 1975. Chính vì thế các ca khúc phản chiến của ông được phổ biến khá rộng rãi, có ảnh hưởng lớn đến công chúng nhất là giới trí thức, học sinh – sinh viên miền Nam.

Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn phần lớn viết bằng điệu Blues, cộng với lời ca đậm chất hiện thực, rất đơn sơ, trần trụi (khác hẳn với dòng nhạc tình), trở nên những bài hát ɡây xúc động mạnh mẽ. Những bản nhạc này được ông cùng Khánh Ly đem đi hát ở nhiều nơi tại miền Nam, được nhiều người nhất là giới sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là lᴏại nhạc làm chᴏ danh tiếng của Trịnh Công Sơn lan ra thế giới: nhờ nhạc phản chiến ông được một Đĩa Vàng (giải thưởng âm nhạc) tại Nhật và có tên trᴏng tự điển bách khᴏa Encyclᴏpédie de tᴏus les pays du mᴏnde của Pháp.

Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy và các nhạc sĩ khác được cho là có vai trò trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam, bên cạnh phong trào Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập. Cũng vì loại nhạc không rõ nghiêng về phe nào này mà ông đã bị tẩy chay nhiều lần từ cả hai phe đối địch. Nhưng về phía Trịnh Công Sơn, không thể phủ nhận rằng ông đã trở thành một tên tuổi đặc biệt nhờ vào dòng nhạc này.

Cho đến nay, sau tròn 45 năm kể từ thời điểm hòa bình, rất nhiều bài hát “da vàng” của Trịnh Công Sơn vẫn chưa được phép lưu hành chính thức tại Việt Nam. Ngoại trừ 1 số rất ít đã được phát hành trong CD chính thức là Xin Cho Tôi, Nối Vòng Tay Lớn.

Những chủ đề khác:

Từ đầu thập niên 1980, khi bắt đầu được phép lưu hành nhạc trong nước, ông có viết một số bài nhạc cách mạng như “Em Ở Nông Trường Em Ra Biên Giới”, “Huyền Thoại Mẹ”, “Ánh Sáng Mạc Tư Khoa”, “Ra Chợ Ngày Thống Nhất”…

Về sau, ông cũng viết nhạc cho thiếu nhi (trong tập nhạc “Cho Con”, xuất bản năm 1991), nhiều bài rất nổi tiếng như “Em Là Hoa Hồng Nhỏ”, “Mẹ Đi Vắng”, “Em Đến Cùng Mùa Xuân”, “Tiếng Ve Gọi Hè”, “Tuổi Đời Mênh Mông”, “Mùa Hè Đến”, “Tết Suối Hồng”, “Khăn Quàng Thắp Sáng Bình Minh”, “Như Hòn Bi Xanh”, “Đời Sống Không Già Vì Có Chúng Em”.

Tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here