Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tham gia văn nghệ từ rất sớm, khi 13 tuổi đã tham gia văn nghệ học đường, và năm 17 theo học các nhạc sư nổi tiếng là Thẩm Oánh, Hùng Lân ở trường Ca Vũ Nhạc Phổ Thông Sài Gòn, và sau đó là Quốc Gia Âm Nhạc. Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản Trăng Quê Hương được xuất bản vào năm 1958, khi ông 19 tuổi, nhưng không được mấy người biết tới. Sau đó ông gia nhập hải quân, viết 1 số ca khúc về binh chủng này, nhưng thành quả đạt được cũng rất ít.
Đến tận 10 năm sau kể từ khi xuất bản ca khúc đầu tiên thì tên tuổi Mặc Thế Nhân mới bắt đầu được chú ý tới qua ca khúc Ru Em Tròn Giấc Ngủ, lúc này ông đã 29 tuổi, khá muộn so với nhiều nhạc sĩ cùng thời.
Trong chương trình Nghệ Sĩ Và Đời Sống cách dây đã gần 20 năm, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân tâm sự:
“Hoạt động 10 năm trời tôi mới bắt đầu nổi, vào thời điểm sau Mậu Thân, với bài hát Ru Em Tròn Giấc Ngủ, được bán tác quyền cho nhạc sĩ Châu Kỳ, tạo tên tuổi cho tôi từ đó”
Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân lấy vợ từ năm 1963, nhưng sau đó vẫn là một người lính hải quân hào hoa bay bướm, có đời sống hải hồ lãng mạn và nhiều người đẹp vây quanh, là nguồn cảm hứng cho ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó có bài Ru Em Tròn Giấc Ngủ.
Đó là khoảng thời gian 1967-1968, nhạc sĩ Mặc Thế Nhân có mở lớp nhạc Mặc Thế Nhân trên đường Lý Văn Phức ở Dakao, và cũng là thời gian ông quen với một ca sĩ sắp bước vào nghề, theo học lớp nhạc này. Vì tiếp xúc thường xuyên nên giữa thày và trò đã nảy sinh tình cảm, nhưng chỉ dừng lại ở mức cùng nhau đi ăn hoặc nghe nhạc phòng trà. Vào những ngày cận Tết Mậu Thân, cô ca sĩ này về nhà ở Vũng Tàu để đón Tết, và rủ Mặc Thế Nhân đi cùng. Tuy nhiên nhạc sĩ muốn dành thời gian cho gia đình dịp Tết, và còn phải trực ở đơn vị, nên hẹn lại qua đến mùng 3 hay 4 Tết, nếu có thời gian sẽ đi.
Nhưng không ngờ lần chia tay đó cũng là gặp cuối cùng, vì mùng 1 Tết Mậu Thân năm đó cô gái bị pháo kích rơi vào đúng giường đang ngủ. Nhận được hung tin, Mặc Thế Nhân đau đớn viết thành bài ca Ru Em Tròn Giấc Ngủ để tiễn đưa người học trò, cũng là người yêu của mình với lời hát xót xa:
Anh em chung một nhà mà sao vẫn thấy xa
Ru em trong chiều tà nhạc đưa bước tiên nga…
Có thể nói, nếu hơn 50 năm trước,nếu ông nhận lời cô gái về quê Tết, thì có lẽ làng nhạc miền Nam đã không có một nhạc sĩ mang tên Mặc Thế Nhân.
Mời các bạn nghe lại ca khúc này qua tiếng hát Trúc Mai trước năm 1975:
Click để nghe
Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com
—-
Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn