Trong cuộc đời tài hoa của mình, nhạc sĩ Lam Phương đã trải qua rất nhiều cuộc tình. Với mỗi cuộc tình, ông lại có nhiều xúc cảm để sáng tác thành những ca khúc bất tử. Trong gia tài âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Lam Phương, có đến quá nửa số ca khúc nổi tiếng của ông là viết về tình yêu, và đặc biệt, các bài hát đó đều được viết dựa theo những cảm xúc có thật từ những chuyện tình đã xảy ra trong đời.
Một trong những cuộc tình nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương được ông kể lại trong âm nhạc là với nữ ca sĩ Hạnh Dung trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương. Cô không nổi tiếng lắm bởi cô là ca sĩ dân chính do Biệt Đoàn tuyển dụng và chỉ hát cho lính nghe. Nét đẹp đằm thắm của ca sĩ Hạnh Dung ở tuổi chưa đến đôi mươi đã làm nhạc sĩ Lam Phương say đắm và sáng tác rất nhiều bài hát để ghi lại những kỷ niệm của cuộc tình này, đó là Bọt Biển, Giọt Lê Sầu, Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi, và nổi tiếng nhất là Thành Phố Buồn và Phút Cuối.
Một người khá thân cận với nhạc sĩ Lam Phương là MC – nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, đã viết như sau:
Lam Phương viết nhạc tặng cho Hạnh Dung khi thấy tình yêu bế tắc. Bế tắc có nghĩa là sẽ chẳng đi đến đâu, cho nên ngay từ buổi đầu gặp gỡ, Lam Phương đã không giấu được niềm lo âu:
“Nhè nhẹ đôi tay nâng lấy mộng lành
Vì tình đôi ta tha thiết nhưng quá mong manh!” (Bọt Biển)
Đã biết là tình quá mong manh nhưng hai người vẫn lao vào! Thậm chí có lúc Lam Phuoqng đã phải chán nản sáng tác bài Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi:
“Thôi là hết em đi đường em
Tình duyên mình có bấy nhiêu thôi…”
Một lần, nhạc sĩ Lam Phương theo Biệt Đoàn ra công tác ngoài Côn Đảo, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng mai về Sài Gòn trước. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì ông phải tạm nán lại Côn Đảo vài hôm nữa.
Ông viết bài Phút Cuối rất cảm động:
“Chỉ còn gần em một giây phút thôi
Một giây nữa thôi là xa nhau rồi
Người theo cánh chim về vui với đời
Để lại thương nhớ cho kiếp đơn côi!”
Nỗi lòng của một chàng trai đang yêu và si tình – khi phải tạm biệt người yêu về nơi xa – hình như ai cũng giống nhau, đó là cõi lòng như đã thành tan nát. Dù vẫn còn nhìn thấy nhau đây, nhưng chỉ cần nghĩ đến vài phút giây nữa sẽ phải cách biệt nhau, thì nỗi nhớ nhung đã dâng lên với những cồn cào và da diết.
Nhạc sĩ Lam Phương khác với hết thất thảy những chàng trai si tình khác ở chỗ là ông có thể ghi lại nỗi nhớ đó thành nhạc, viết nhạc như là một cách cho vơi đi nỗi niềm, và đó cũng là một sự may mắn lớn cho khán giả yêu nhạc. Dù cuộc tình trọn vẹn hay khổ đau, dù có kết thúc như thế nào đi nữa, thì nó cũng đã từng khơi nguồn cảm xúc cho những bài hát đã sống mãi cùng thời gian.
Núi đồi lồng lộng chiều mưa nhớ ai.
Biển xanh vẫn xanh nguời đi sao đành.
Để trong giấc mơ hồn anh thẫn thờ.
Em ơi bao giờ mới được gần nhau.
Đêm cuối còn được gặp mặt tâm sự cùng nhau, xung quanh có núi đồi lồng lộng và biển xanh như làm minh chứng cho cuộc tình, và cơn mưa chiều làm cho đất trời thêm lạnh lẽo, như cõi lòng người trai đang run rẩy trong phút chia tay không thể nói được tròn câu tiễn người yêu. Nên đêm về chàng lại chập chờn trong giấc mộng lo âu, thẫn thờ tự hỏi cuộc tình này sẽ đi về đâu trên đường đời vạn lối, có lối nào dẫn được về gần nhau trong kiếp này?
Ở đoạn tiếp theo của bài hát, nhạc sĩ cho chúng ta biết đó là một chuyện tình buồn không có đoạn kết:
Biết chi một đêm
tha thiết chi một đêm
rồi xa nhau ngàn trùng.
Lệ này cho em
hay lệ này cho anh
khi mộng ước không thành.
Ngày buồn còn bao lâu
hay muôn đời nuối tiếc
đêm cuối cùng bên nhau
Biết em sẽ buồn vì thuyền anh không rời bến,
Biết em sẽ buồn vì mình chẳng có ngày mai.
Dẫu đã biết trước là chuyện tình sẽ có kết cuộc đau buồn, nhưng sao đôi người vẫn bị cuốn vào nhau trong niềm tha thiết ân tình? Có lẽ đó là lý lẽ của trái tim mà muôn đời nhân gian không thể nào giải thích được.
Vào thời điểm đó, người trai – nhân vật chính trong bài hát – đã có gia đình, thuyền anh đã không thể nào rời bến cũ được, nên dù có tha thiết bao nhiêu chăng nữa thì đó cũng chỉ là một cuộc tình ngoài luồng, làm sao để có thể kết thúc cho toàn vẹn?
Lựa chọn cuối cùng là đành buông tay nhau để một người về với ngày vui mới, còn một người sẽ trốn vùi trong nỗi cô đơn u uất ở nơi cuối trời mênh mông đầy nỗi nhớ:
Nếu ngày nào tình ta đã phai.
Ngày vui của em cùng ai trên đời.
Là hôm tiễn anh về nơi cuối trời.
Em ơi bao giờ nhớ thương này nguôi…
Mời các bạn nghe lại ca khúc này qua giọng hát tuyệt vời của ca sĩ Tuý Hồng (cũng chính là vợ của nhạc sĩ Lam Phương) song ca cùng với Diên An trước 1975 sau đây:
Click để nghe
Sau này, ca khúc này đã gắn liền với đôi song ca Chế Linh – Thanh Tuyền, mời bạn nghe lại sau đây:
Click để nghe
Năm 2007, ở 1 trong những chương trình Paris By Night được đánh giá là hay nhất, đó là Paris By Night 88 với dòng nhạc Lam Phương, bài Phút Cuối được giao cho ca sĩ Bằng Kiều. Anh đã hát với phong cách rất khác với trước đó và tạo được hiệu ứng rất tốt từ khán giả với giọng ca cao vút của mình. Mời các bạn nghe lại:
Click để nghe Bằng Kiều hát
Có một điều ít người biết, đó là ca sĩ Hạnh Dung – người tình của nhạc sĩ Lam Phương trong các bài hát nổi tiếng Phút Cuối, Thành Phố Buồn…, là ca sĩ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương năm xưa, sau năm 1975 đã đổi nghệ danh thành Kim Dung và có tham gia một số đoàn hát trong nước sau này. Khi đó nhạc sĩ Trần Thiện Thanh – Nhật Trường vẫn còn ở trong nước, ông đã gặp gỡ Kim Dung trong các dịp hát chung sau khi đã chia tay người vợ đầu. Hạnh Dung – Kim Dung trở thành người vợ thứ 2 của Nhật Trường và họ có với nhau một người con tên Trần Thiện Anh Chính. Cuộc hôn nhân này cũng tan vỡ và mỗi người đều có cuộc sống gia đình riêng sau đó.
Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com