Nhạc sĩ Trúc Phương là nhạc sĩ Dzũng Chinh là 2 trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nhạc vàng. Cho dù số phận cuộc đời của họ bị chia 2 ngả khác nhau, và nhạc sĩ Dzũng Chinh không may bị hy sinh sớm trên vùng chiến trận, nhưng giữa 2 nhạc sĩ tài hoa này cũng có 1 số điểm chung:

Dù chênh lệch tuổi khá lớn nhưng họ là đôi bạn thân, cùng là người lính và cùng sáng tác những ca khúc nổi tiếng ca ngợi đời lính. Họ cũng thường gặp nhau để trao đổi về việc sáng tác. Ca sĩ Phương Dung kể rằng đã nhiều lần gặp đôi vị nhạc sĩ này ngồi bên nhau hàng giờ ở quán cafe để cùng thảo luận, chỉnh sửa các ca khúc đang sáng tác. Điều này cho thấy giữa Trúc Phương và Dzũng Chinh có mối quan hệ rất thân thiết.

Nhạc sĩ Trúc Phương sinh quán ở Trà Vinh, và nhạc sĩ Dzũng Chinh cũng có 1 thời gian đóng quân ở vùng đất này, sau khi được thụ huấn khoá Hạ sĩ quan trừ bị tại trường Hạ sĩ quan Đồng Đế – Nha Trang, Dzũng Chinh mang cấp bậc trung sĩ và được điều động về Trà Vinh khoảng năm 1965-1966.

Nhạc sĩ Dzũng Chinh

Trước khi lên đường về đơn vị mới, không biết là nhạc sĩ Dzũng Chinh (sinh năm 1941) có đến gặp để quyến luyến chia tay với người bạn, người anh, người đồng nghiệp là nhạc sĩ Trúc Phương (sinh năm 1933) hay không, mà sau đó không lâu, nhạc sĩ Trúc Phương đã sáng tác những bài nhạc vàng nổi tiếng dành tặng cho người bạn chinh nhân này: Để Trả Lời Một Câu Hỏi (1966), Viết Thư Tình (Thư Người Người Miền Xa – 1967). Trong đó, lời đề tựa của bài hát Để Trả Lời Một Câu Hỏi được ghi như sau:

“Cho Dzũng Chinh, thằng bạn vai em, vì đời trôi dạt về miền quê hương tôi. Cho tất cả bạn hữu của Dzũng Chinh vùng KBC 3054”

KBC 3054 chính là mã số thư quân đội vùng Trà Vinh.

Một nửa ba năm, anh yêu tình áo giầy quân nhân,
đường xuôi quân ghé lại đôi lần.
Bao nhiêu âu lo, có hôm đã hỏi người yêu bé bỏng hay mơ:
“Anh vắng nhà hoài em có nhớ?”

Ngay đầu bài hát, nhạc sĩ đã chơi chữ khi thay vì viết “một năm rưỡi”, ông đã viết: “một nửa ba năm”. Mốc 1 năm rưỡi này có thể là được tính từ lúc nhạc sĩ Dzũng Chinh gia nhập quân ngũ năm 1965 ở tuổi 24. Sau khi được huấn luyện ở quân trường Đồng Đế – Nha Trang và về đóng quân ở Trà Vinh cho đến thời điểm ca khúc Để Trả Lời Một Câu Hỏi ra đời vào cuối năm 1966 là đúng “một nửa ba năm”.

Vậy tại sao nhạc sĩ không viết luôn là “một năm rưỡi”? Có thể là nếu viết vậy thì không thể thành nốt nhạc được.

Bài hát là những lời tự tình giữa người lính và cô em gái bé nhỏ chốn hậu phương trong những đôi lần ghé về thăm. Với bao nhiêu âu lo về cuộc đời, về tình yêu trước thời cuộc, anh hỏi: “Anh vắng nhà hoài em có nhớ?”

Và cô gái trả lời:

Trả lời anh yêu
Không gian còn bước thời gian đi,
một ngàn đêm nhớ nhiều mơ nhiều.
Mưa khuya giăng tơ, gió khuya hững hờ
đèn hiu hắt ngọn tương tư, đôi lúc buồn vì anh vắng nhà.


Click để nghe ca sĩ Hoàng Oanh hát

Ban đầu nàng nói là nhớ nhung mơ tưởng suốt cả ngàn đêm. Nhưng sau đó nghĩ rằng nếu nói như vậy có thể làm chùng lòng trai, nên nàng bèn nói thêm là tuy nhớ nhung tha thiết vậy, nhưng chỉ có đôi lúc buồn vì anh vắng nhà mà thôi. Bởi vì cô gái biết rằng người yêu đã dấn bước hiên ngang để đối diện với mặt trời, nên “Đã yêu lính trẻ ngày về ai tiếc gì”.

Từ bàn tay tiên nắn nót từng nét gửi cho anh
để anh vui bước đường quân hành.
Môi em đang xinh, mắt em vẫn tình
màu xanh vẽ nổi đôi tim, ghi dấu ngày đầu ta biết mình.

Tay của người thiếu nữ được nhạc sĩ ví như là bàn tay tiên, thật là một lời ca tụng ngọt ngào. Chưa hết, những nét thanh xuân của người con gái tuổi trăng tròn được mô tả: môi em đang xinh, mắt em vẫn tình.

Đọc thư người em gái gửi từ chốn hậu phương, chàng chinh nhân thấy lòng ngập tràn hạnh phúc khi cuối thư là “màu xanh vẽ nổi đôi tim”, nó là một dấu ấn rất quen thuộc trong những cánh thư tình gửi cho nhau trong thời chiến loạn năm xưa.

Trước 1975, ca sĩ Hoàng Oanh đã thu âm Để Trả Lời Một Câu Hỏi trong băng nhạc Trường Sơn mà bạn đã nghe ở bên trên. Sau năm 1975, bản thu âm thành công nhất có lẽ là bản song ca của Duy Khánh và Hương Lan, mời bạn nghe sau đây:


Click để nghe

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here