Ca sĩ, và cũng là bác sĩ quân y Trung Chỉnh, là người thường đi lưu diễn chung với Nhật Trường – Trần Thiện Thanh ở các tiền đồn vào thập niên 1960. Trên chương trình Asia, Trung Chỉnh kể lại rằng có một lần đi lưu diễn xa chung với nhạc sĩ Trần Thiện Thanh ở Qui Nhơn và di chuyển bằng phi cơ. Khi bay ngang qua Phan Thiết, là quê hương của Trần Thiện Thanh, cũng là nơi mà nhạc sĩ được sinh ra, lớn lên và lập gia đình tại đây. Trung Chỉnh thấy Trần Thiện Thanh nhìn xuống biển xanh qua cửa sổ của phi cơ với nét mặt tư lự, một lúc sau đó thì lấy trong túi ra một cuốn sổ tay nhỏ để viết vội vài dòng.

Biển Phan Thiết năm 1967

Sau đó thì ca khúc Biển Mặn đã ra đời, mang những suy tư về đời lính, về một vùng quê đã nuôi lớn người nhạc sĩ tài hoa bằng muối biển mặn:

Tôi thức từng đêm thơ ấu, mà nghe muối pha trong lòng
Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau
Tuổi trời qua mau, gió biển mặn nuôi lớn khôn tôi
Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội
mà lòng thì chưa hề yêu ai.

Trong lời đề tựa của bài nhạc tờ phát hành năm 1967, tác giả ghi mấy dòng như sau, đã được ca sĩ Phương Dung đọc trước khi hát trong bản Biển Mặn thu âm trước năm 75 (có sửa và bỏ đi vài chữ): “Tôi là một người lính bộ binh 24 tuổi, 3 tháng quân trường, 4 năm chiến đấu, chưa lập gia đình nhưng mới có người yêu lúc vừa tái đăng đánh giặc. Tôi chỉ muốn trả lời chung cho những người hay nói: tại sao tôi yêu cuộc đời chinh chiến như yêu chính bản thân tôi”.

Mời các bạn nghe lại phiên bản Phương Dung hát trước 75 có đọc đoạn này ở đầu bài hát:


Click để nghe ca sĩ Phương Dung hát trước năm 1975

Phần đề tựa này có chữ “tái đăng đánh giặc” có thể gây thắc mắc cho người nghe nhạc. Đây là chữ đã được sử dụng từ thời phong kiến. Lục lại cuốn Hương Chính Chỉ Nam phát hành năm 1926, có định nghĩa như sau: Lính tái đăng là “lính thế” hoặc “lính mộ” đã mạn khóa rồi những xin ở lại lính.

Có thể hiểu đó là những người lính không bắt buộc, nhưng xin ở lại tiếp tục tòng quân.

Thời điểm Trần Thiện Thanh viết ca khúc này, khoảng năm 1967, khi đó có lệnh tổng động viên từng phần của chính phủ, quy định tuổi đăng lính là từ 21 tuổi, vì vậy trong bài hát có câu:

“Nên năm hăm mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng thì chưa hề yêu ai”

Tuy nhiên từ sau năm 1968, tình hình chiến cuộc lên cao, độ tuổi đăng lính được giảm xuống thành 18.

Là một người lính nên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thấu hiểu được tâm tư đời lính. Bài hát Biển Mặn viết về một người trai vào quân ngũ ở độ tuổi 21 khi còn chưa có người yêu, và chỉ mới quen một người con gái trên đường hành quân, khi dừng chân trên vùng vừa tiếp thu ở nơi có biển xanh và bóng dừa đổ nghiêng bên bờ cát trắng:

Người yêu tôi, tôi mới quen mà thôi
Lúc dừng quân trên vùng vừa tiếp thu
Vùng hoang vu bóng dừa bờ cát gầy
Gió lên từng chiều vàng nàng xõa tóc trên biển xanh

Sẽ có nhiều khán giả thuộc thế hệ sau này không hiểu nghĩa của chữ “vùng tiếp thu” trong câu hát này. Việc “tiếp thu” trên chiến trường có hai trường hợp, đó là đơn vị A tiếp thu “vùng hành quân” từ đơn vị B vừa rời đi nơi khác. Hoặc là đơn bị quân đội chiếm lại vùng bị địch chiếm giữ trước đó. Theo ý nghĩa của bài hát Biển Mặn này, anh lính đã quen với người yêu lúc dừng quân trên vùng tiếp thu, nên có thể là trường hợp 1: đơn vị A tiếp thu vùng từ đơn vị B. Còn trường hợp thứ 2 liên quan đến việc giao tranh ác liệt tranh giành lãnh thổ nên khó có thể “làm quen với người yêu” được.

Biển Phan Thiết năm 1967

Người yêu tôi hay khóc trong chiều mưa
Lúc màu xanh biển mặn đục sắc mây
Bảo yêu anh em muốn chuyện đôi mình
Như màu xanh biển tình trong ngày trời xinh rất xinh.

Người con gái bé nhỏ lỡ yêu người lính chiến chỉ sau thời gian ngắn ngủi gặp nhau trên bước đường của người chinh nhân, nàng lo nghĩ nhiều về tương lai mai sau, nên thường khóc trong chiều mưa lúc biển mặn đục sắc mây. Một khung cảnh buồn, nhưng cũng thật đẹp.

Phan Thiết năm 1965

Tôi đến lại đi, xa vắng đời tôi chiến chinh lâu dài
Miệt mài đường trai, vượt truông dài che khuất biển xanh
Đẹp tựa trong tranh gót bùn lầy cho lúa thêm xanh
Trong bao lần quân hành, tôi qua vùng khô cằn
mồ hôi thành biển mặn trên môi.

Phan Thiết năm 1971 – đẹp tựa trong tranh

Trên những dặm trường dọc đất nước đẹp ngời hoa gấm như trong tranh vẽ, người chinh nhân nguyện dấn bước với gót chân bùn lầy, và mong rằng đồng lúa quê hương sẽ được vươn lên trong yên bình. Trong những lần quân hành gian lao vất vả, nghe mồ hôi mặn chát trên môi, anh lính lại nhớ về vị muối biển của quê hương thời thơ ấu, rồi chợt nhận ra hương vị của quê hương vẫn còn thấm đẫm trong mình dù đã cách xa lâu dài mùa chinh chiến.

Phan Thiết năm 1967

Mời bạn nghe lại ca khúc này qua tiếng hát của chính tác giả Nhật Trường trong chương trình Asia số 2 năm 1993, khi ông vừa mới đặt chân được lên đất Hoa Kỳ:


Click để nghe Nhật Trường hát

Tuy nhiên, với cảm nhận riêng của người viết, thì ca khúc này được ca sĩ Chế Linh hát thành công nhất, mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Chế Linh hát

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

1 COMMENT

  1. Sáu mươi mấy tuổi rồi mà nghe và đọc lại cảm thấy buồn man mác , giống như mất đi một cái gì đó mà không tìm thấy được vậy !

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here