Bài hát đưa danh ca Lệ Thu bước chân vào sự nghiệp ca hát mang tên là Dang Dở (tức Tà Áo Xanh của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn), dường như là một sự báo hiệu cho hạnh phúc riêng dang dở với 3 cuộc hôn nhân không trọn vẹn.
Nhưng cuộc đời cũng đã bù lại cho Lệ Thu có được một sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng không phải ai cũng có được, với những bước đường rất suôn sẻ và không có nhiều chướng ngại. Cho đến nay, khi nhắc đến những nữ ca sĩ lừng danh nhất trước năm 1975 của dòng nhạc trữ tình – tiền chiến, trong hàng trăm nghệ sĩ thì 3 cái tên được nhớ đến trước tiên là Thái Thanh, Khánh Ly và Lệ Thu.
Giữa những mất mát của đời sống tình cảm riêng, tiếng hát Lệ Thu vẫn vang lộng bay vút cao trên nền trời nghệ thuật của miền Nam trước 1975 và cả sau này tại hải ngoại. Cho đến nay, sau tròn 60 năm ca hát, tiếng hát Lệ Thu vẫn bền bỉ trường tồn với thời gian.
Ca sĩ Lệ Thu sinh ra tại Hải Phòng, đến năm 1953 thì cùng với mẹ chuyển vào Sài Gòn để trốn sự khắc nghiệt của người vợ đầu của cha cô. Lệ Thu cũng là người con duy nhất còn sống trong số 8 mà mẹ cô đã sinh ra, nên ở Sài Gòn chỉ có 2 mẹ con nương tựa vào nhau ở căn nhà nhỏ trên con đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu). Tại đây Lệ Thu có một anh hàng xóm đặc biệt, nét đẹp tuổi 13,14 của cô đã làm anh chàng mê mẩn và có kiểu tán tỉnh rất ngây thơ và trẻ con.
Lệ Thu kể lại, mỗi lần anh hàng xóm ăn xong, có trái cây tráng miệng như na, cam, lê, anh không ăn mà để dành cho cô bé hàng xóm tên là Oanh (tên thật của Lệ Thu). Tuổi nhỏ còn ngại ngùng, anh không dám đưa tận tay mà quẳng qua cho cô mỗi lần thấy mặt rồi vụt chạy vô nhà.
Thuở đó Lệ Thu học trường Tây, còn chàng học trường Việt, trong 4 năm trời anh cứ đạp xe đứng ngóng trước cổng trường trong những giờ ra chơi. Mối tình thơ ngây hồn nhiên buổi đầu đời chỉ dừng ở đó, họ chưa từng đi chơi, chưa từng nắm tay, chưa từng ngỏ lời gì với nhau. Vậy mà sau này khi gặp lại ở xứ người, anh hàng xóm này vẫn nói là còn nhớ nhung cô Oanh năm xưa. Lúc đó cả 2 cùng đã trải qua những cuộc hôn nhân không hạnh phúc.
Thời đó, vào đầu thập niên 1960, con gái đến tuổi cập kê mà chưa cưới hỏi gì thì thường các cụ lo đến sốt vó. Lệ Thu cũng không phải là ngoại lệ. Ngoài ra cô còn theo nghề ca hát nên mẹ cô rất sợ con gái bị ế, đặc biệt là sợ sa ngã trong một môi trường tương đối phức tạp. Vì vậy mà khi Lệ Thu tuổi còn chưa đến đôi mươi, mới quen với một anh chàng người Huế chưa được một tháng đã mang sính lễ đến hỏi cưới, bà cụ gật đầu đồng ý ngay.
Lệ Thu nói trong một buổi phỏng vấn là hồi đi học cô cũng lãng mạn, làm thơ này nọ nhưng chưa bao giờ biết yêu ai, khi lấy chồng cũng chưa thực sự biết yêu nên mọi thứ đều rất ngỡ ngàng. Cô nói:
“Tôi lấy chồng khi chưa một lần nắm tay người khác giới, chưa bao giờ biết hôn, nên đời sống chăn gối tôi cứ như một… khúc gỗ. Người chồng thất vọng não về về sự ngây thơ, thậm chí… đần độn như thế. Chỉ được 2 tháng, anh ấy không thể chịu đựng được nên quyết định bỏ” (Trích Hoàng Nguyên Vũ – Thân Phận Và Hào Quang).
Hơn nữa gia đình chồng người Huế rất khắc khe, nên không thể hài lòng với một nàng dâu là ca sĩ không biết nấu ăn, không biết làm dâu. Cuộc hôn nhân đầu chưa kịp có con thì mỗi người mỗi ngả, Lệ Thu nói rằng cô cũng không thấy buồn vì tình cảm vợ chồng không sâu đậm.
Năm 20 tuổi, Lệ Thu đi bước nữa với một Việt kiều sống bên Pháp từ nhỏ. Tuy nhiên đây lại là một hôn nhân có nhiều lừa dối ngay từ khi bắt đầu. Người này tên Sơn, đã có vợ con bên Pháp, về Việt Nam chơi gặp Lệ Thu thì mê và bỏ luôn vợ bên đó. Lệ Thu nói rằng mãi về sau này cô mới biết chuyện này, nếu không thì sẽ không bao giờ chấp nhận.
Sau một năm tìm hiểu thì họ tổ chức đám cưới, đó có thể chưa phải là tình yêu thực sự, nhưng Lệ Thu muốn được yên phận làm vợ sau một lần dang dở. Cuộc hôn nhân thứ 2 kéo dài 7 năm, từ 1963 đến 1970 và có 2 cô con gái, nhưng sau này Lệ Thu nói rằng ông Sơn không phải là một người chung thủy. Ông hào hoa, lăng nhăng, lại có lối sống Tây, nên tổ ấm không lúc nào được yên ổn. Cô kể lại trong buổi nói chuyện với nhà báo Hoàng Nguyên Vũ:
“Anh ấy dân Tây về, nhảy đẹp, đẹp trai, con nhà giàu, thì nhiều phụ nữ mê cũng bình thường. Tuy nhiên, thấy họ mê, anh ấy cũng… mê lại.
Ca sĩ L, một ca sĩ cùng thời với tôi rất nổi tiếng, cua chồng tôi. Trong đời tôi ít biết ghen, thế nhưng tôi đã không thể chịu đựng được những gì diễn ra trước mắt, không đơn giản chỉ là những chuyện nam nữ thích nhau bình thường.”
Cuộc hôn nhân nhân thứ 3 của Lệ Thu là với ký giả Hồng Dương và có một người con gái tên Thu Uyển. Họ gặp nhau năm 1969, nhưng đến năm 1974 với làm đám cưới tại nhà thờ. Hồng Dương cũng là người giúp Lệ Thu thành lập trung tâm băng nhạc Lệ Thu và phát hành được 1 số băng rất thành công. Cô nói rằng chồng rất yêu thương và lo lắng cho cô, hạnh phúc được thử thách qua những ngày gian khổ, tuy nhiên cuối cùng cũng mất nhau sau 10 năm sống chung. Năm 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biên sang Mỹ, ngay lập tức ở quê nhà, chồng cô chung sống với một phụ nữ khác.
Trải qua 3 cuộc hôn nhân, Lệ Thu vẫn tự nhận mình là một kẻ khờ khạo trong tình yêu. Cho dù sau đó, cô có một tình yêu đúng nghĩa vào năm 1988, khi cô thực sự biết rung động, nhưng cũng vì sự “khờ khạo” đó mà không giữ được cuộc tình này.
Sau nhiều bão tố cuộc đời, khi được hỏi về những bước đường đã đi qua, Lệ Thu tâm sự:
“Cả 3 người đàn ông đó giờ còn sống, kể cả anh hàng xóm si tình năm ấy, có người ở Mỹ, có người còn ở Việt Nam. Chúng tôi vẫn là bạn và vẫn thăm nhau nếu có dịp.
Riêng người chồng thứ 2 thì ở Việt Nam, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm anh ấy, và đã hóa giải hết mọi chuyện trong quá khứ. Những người làm tôi đau, thậm chí là kẻ thù, tôi đều hóa giải để làm bạn. Cái tính của tôi vốn vậy, những người nào đi qua đời mình, hay những gì mình trải qua đều là duyên. Những gì mình khổ, hay nó vướng bận vào đời mình và cuộc sống của mình, đều là nợ nhau cả và mình phải trả. Trả hết thì thôi” (Trích theo Hoàng Nguyên Vũ – Sách Thân phận và hào quang)
Cuối cùng, sau tất cả, Lệ Thu nói: “Điều khiến tôi hối tiếc nhất là tôi đã sống chưa đủ đầy bổn phận với mẹ, với các con. Chưa đủ đầy ở đây là không trực tiếp chăm sóc, nhìn các con trưởng thành từng ngày. Có lẽ, tôi hơi ích kỷ… Không! Đúng ra là tôi ích kỷ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thổ lộ điều này. Tôi chỉ nghĩ cho mình, tự thương mình nhiều quá mà quên mất những điều người thân trông chờ và cần ở mình. Nếu được sống lại, có lẽ, tôi sẽ sống khác đi. Sẽ biết cách cân bằng hơn giữa công việc và gia đình thay vì lúc nào cũng chỉ miệt mài dồn sức cho công việc.”
Đông Kha (biên soạn)