Năm Cụm Núi Quê Hương là một trong số ít bài nhạc vàng nói về đề tài thương binh, viết về những người lính không còn lành lặn sau khi rời trận địa.
Bài hát này được nhạc sĩ Minh Kỳ viết theo ý của bài thơ cùng tên của thi sĩ Tường Linh. Cái tên Tường Linh còn được biết đến qua bài nhạc vàng nổi tiếng là Những Đóm Mắt Hỏa Châu, khi nhạc sĩ Hàn Châu mượn tựa đề để viết ca khúc.
Nhà thơ Tường Linh sinh ngày 12/12/1931 tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Ông xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 thì vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến sau này. Hầu hết những bài thơ của ông đều có hình dáng quê hương Quảng Nam. Nguyên tác bài thơ đã được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ nhạc như sau:
Anh thương binh về thăm nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường
Anh trở lại với bàn tay còn lại
Vẫn vẫy chào Non Nước quê hương
Quê hương anh
Mây giăng đèo Ải
Chiều ấu thơ êm ả câu hò
Nước mấy nguồn sông hẹn về Cửa Đại
Ngũ Hành Sơn năm cụm núi xanh lơ.
Anh lớn lên giữa bài ca châu thổ
Những mùa thu ngọt trái nam trân
Biển xa lộng gió
Thuyền lưới đầy khoang cá trắng ngần
Mẹ thường kể anh nghe
Chuyện mẹ cùng cha
Ngày xưa đôi lứa
Trai lành, gái đảm thương nhau
Bến nước sông sâu
Nhịp cầu, giếng xóm
Cô gái mười lăm hái hoa bắt bướm
Nắng sớm thêm vàng màu áo lụa Duy Xuyên
Cậu trai xóm dưới ngoan hiền
Đêm khuya khoắt học bài bên bếp lửa
Mẹ già thương hai đứa
Mẹ già cho lấy nhau
Vài buồng cau, mấy liễn trầu
Đám cưới đi ngang bờ sông hoa gạo đỏ
Biển rộng buồm xa ăm ắp gió
Ngũ Hành năm cụm xanh xanh
Cha mẹ chỉ tay thề với núi:
– Mỗi ngón tay là một cụm Ngũ Hành
Năm cụm núi không thể nào thiếu một
Năm ngón tay không thể chia lìa
Lời mẹ đều đều. Sương rụng vườn khuya.
Anh ra đi từ mùa thu quê hương bốc lửa
Rừng xa, xa rồi những lứa nam trân
Mẹ đã già và cha không còn nữa
Mây giăng nhiều trên đỉnh Ải Vân.
Chiều hôm nay anh trở về nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường
Mẹ già đón anh
mừng vui
bỡ ngỡ
Mẹ khóc
mẹ cười
mái tóc rung hoa sương
Không theo anh về bàn tay năm ngón
Nhưng về theo anh nghìn chiến công
Về theo anh sông đầy mấy ngọn
Mùa vui chim ca, cá trắng, cam hồng
Anh nhìn núi Ngũ Hành năm cụm
Màu núi thêm xanh
Mất bàn tay, còn quê hương thắm thiết
Mỗi ngón tay dâng một cụm Ngũ Hành.
Niềm vui hiện tại
Bếp ấm ân tình
Anh viết thư cho người yêu bằng tay trái
Đời vẫn xanh và núi vẫn xanh.
Năm cụm núi trong bài thơ chính là núi Ngũ Hành Sơn ở vùng giáp ranh Đà Nẵng – Hội An ngày nay. Trong bài cũng nhắc tới áo lụa Duy Xuyên nổi tiếng của vùng Hội An, nhắc tới Cửa Đại, Hải Vân của quê hương xứ Quảng. Sẽ có nhiều người thắc mắc về “trái nam trân” trong câu “những mùa thu ngọt trái nam trân”, đó chính là tên gọi khác của trái bòn bon ở xứ Quế Sơn của tác giả, nơi nổi tiếng có xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.
Ngày xưa, trái nam trân ở Quảng Nam dùng để tiến vua triều Nguyễn hàng năm. Vào năm Khải Định thứ ba, ngày 18-9 âm lịch, Bộ Lễ đệ trình lên vua bản tấu, có nội dung nhắc tới trái nam trân ở vùng Quảng Nam: “Nay nhận được tư văn của tỉnh Quảng Nam nói: Hạt đó các tháng 8, 9 hằng năm khi quả nam trân chín vàng, theo lệ có hái đem cung tiến và đã sức hái tiến. Sau đó, căn cứ huyện viên hai huyện Quế Sơn, Đại Lộc bẩm báo, do năm nay gió nam mạnh nên cây đó kết quả rất ít ỏi, nên không có hái nạp, tư xin xem xét”
Thi sĩ Tường Linh gia nhập Việt Minh từ năm 1949 trong những năm chống Pháp. Bài thơ Năm Cụm Núi Quê Hương được ông sáng tác năm 1954, vì vậy rất có thể người thương binh trong bài thơ này là một chiến sĩ Việt Minh. Điều đó còn thể hiện qua câu thơ này:
Anh ra đi từ mùa thu quê hương bốc lửa
“Mùa Thu quê hương bốc lửa” luôn là biểu trưng của mùa Thu cách mạng tháng 8. Khi bài thơ này được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ nhạc năm 1974 – cách bài thơ đúng 20 năm – ai cũng hiểu “người thương binh” đã chuyển sang dành cho một hình tượng người lính khác. Tuy nhiên, dù là người lính hay là người thương binh ở giới tuyến nào thì họ cũng đều hy sinh cho quê hương.
Click để nghe Hương Lan hát trước 1975
Về nội dung ca khúc Năm Cụm Núi Quê Hương của nhạc sĩ Minh Kỳ, kể về một chiều có người thương binh chỉ còn lại một bàn tay trở về lại nguyên quán có cụm núi Ngũ Hành. Đó là một vùng đất nghèo, tuổi thơ của anh thương binh là những chiều thơ êm ả nghe từng giọng hò xứ Quảng, là nơi xưa kia mẹ cùng cha là trai lành gái đảm thương nhau bằng một mối duyên nghèo, đám cưới chỉ có vài buồng cau liếp trầu.
Trưởng thành, người trai rời xa quê hương để ra đi theo tiếng gọi của non sông, và rồi khi trở về thì không còn lành lặn nữa, càng xót xa hơn vì cha đã không còn và mẹ cũng già nua sau bao năm tháng.
Chiều nay có người thương binh
trở về thăm quê quán với một bàn tay còn lại
Quê hương anh mấy ải đèo xa
Chiều thơ êm ả câu hò
Ngũ Hành năm cụm núi xanh lơ
Mẹ thương buồn kể anh nghe
Ngày xưa Mẹ cùng Cha trai lành gái đảm thương nhau
Vì tình duyên hai đứa, ngoại già cho lấy nhau
Đám cưới vài buồng cau liếp trầu.
Rồi nay anh trở về Cha anh không còn nữa
Mẹ anh bây giờ đã già
Ngũ Hành năm cụm núi xanh xanh
Xa rồi một trái Nam Trân
Mây dâng nhiều trên đỉnh Ải Vân.
Chiều nay có người thương binh
Không về với bàn tay năm ngón
Nhưng về với ngàn chiến công
Anh mất đi bàn tay nhưng còn quê hương yên lành
Một ngón tay dâng một cụm Ngũ Hành.
Niềm vui chờ đón tương lai
Thư gửi cho người yêu viết bằng tay trái không ngay
Tình mình mong đẹp mãi như năm cụm núi quê hương
Ôi năm cụm núi quê hương.
Anh trở về khi đã mất đi một bàn tay, nhưng hy sinh đó là không vô nghĩa vì góp phần mang lại được sự bình yên cho quê nhà. Mỗi ngón tay của anh như là đã dâng cho một cụm ngũ hành, một phần thịt xương anh đã hoà vào non sông, trường tồn với thời gian.
Đoạn cuối của bài hát là hình ảnh thật cảm động: Tay phải không còn, anh viết thư cho người yêu bằng tay trái không ngay hàng, những trang thư này sẽ mở ra chuyện tình mong đẹp mãi, một niềm tin về tương lai tươi sáng trên quê hương yên bình.
Bài: Đông Kha