Sau thành công với những ca khúc viết về sân trường, về hoa phượng và những chia tay lưu luyến của tuổi học trò trong các bài hát Lưu Bút Ngày Xanh, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Ba Tháng Tạ Từ, nhạc sĩ Thanh Sơn đã có 1 ca khúc khác cùng chủ đề, và cũng rất nổi tiếng, đó là bài Hạ Buồn.

Đây thực sự là một điều thú vị, vì 1 người nhạc sĩ sáng tác nhiều bài với chỉ 1 chủ đề, mà vẫn được người yêu nhạc đón nghe và yêu thích suốt nửa thế kỷ qua.

Các nhạc sĩ ngày xưa, khi sáng tác được 1 bài nào đó ăn khách và tạo được tiếng vang bất ngờ, thì thường là nhân cái đà đó, họ tiếp tục sáng tác theo cùng chủ đề. Nhạc sĩ Thanh Sơn cũng như vậy và đã thành công vang dội, đến nỗi nhạc về hoa phượng, học trò đã trở thành thương hiệu của ông (Mặc dù ông cũng có rất nhiều bài hát nổi tiếng với chủ đề khác nữa).

Ca khúc Hạ Buồn được nhắc tới trong bài viết này, dường như dành riêng cho tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh, và gắn liền với giọng hát của cô cả trước và sau năm 1975:

Mượn một ca khúc viết lên tâm sự
Biết bao nỗi niềm phút giây tạ từ
Hình dáng những người thân yêu,
Xa rồi để thương nhớ nhiều
Giờ biệt ly ôi thấy đìu hiu!

Tâm sự của tuổi học trò trong thời điểm xa trường, xa lớp và xa những bạn bè thân yêu, là những nỗi lòng không thể nào diễn tả hết. Đối với nhiều người, dù đã qua nhiều năm rồi nhưng nếu khi nào hồi tưởng lại, vẫn thấy bâng khuâng quay quắt.

Nhìn nhau không nói mắt rưng rưng buồn.
Xót thương xác phượng tả tơi bên đường.
Bạn cũ, mái trường xưa ơi!
Ghi vào lòng tôi suốt đời,
Ngậm ngùi đành câm nín mà thôi!

Những khoảnh khắc sau cùng còn chung lớp, đôi bạn nhìn nhau mà không nói, vì có nói bao nhiêu cũng là không đủ, chỉ xin ghi vào lòng những giây phút này rồi mang theo suốt cả cuộc đời. Ngày chia tay cũng là ngày mà hoa phượng đỏ rực và xác hoa vương đầy bên đường, tả tơi.

Hôm nay, nhìn những xác phượng cũng tả tơi – theo một nghĩa khác – mấy ai mà ngăn được một nỗi ngậm ngùi. Ngày xưa có hoa phượng để báo hiệu mùa chia tay đến. Nhưng mai này, khi không còn cây phượng, không còn thấy hoa rơi đỏ thắm sân trường, thì có còn gì để làm thêm xao xuyến nỗi lòng non dại của tuổi học trò nữa?

Tôi vẫn nhớ sân trường và cây đa,
Nhớ một ông giáo già, nhớ bạn bè hôm qua.
Bao kỷ niệm sống lại khi hè đến,
Ngày xưa ơi! Nhớ mãi không quên.

Thời gian ngăn cách chúng ta trong đời.
Nhớ thương rất nhiều nói không nên lời.
Màu áo tím ngày xưa đâu?
Đem vào lòng thêm trái sầu
Hạ buồn ơi! Nhớ mãi ngàn sau.

Những kỷ niệm dấu yêu ngày cũ khi còn cùng nhau vui đùa chung lớp dưới mái trường làm sao có thể quên được. Đó là những điều mà ai cũng muốn mang theo trong suốt đoạn đời về sau, để khi nhớ lại, có thể nhận ra rằng tuổi học trò luôn là lứa tuổi đẹp nhất, thơ mộng nhất, khi mà tâm tư còn chưa vướng bận nỗi sầu bi của kiếp người, của những cuộc mưu sinh lo toan chất ngất.

Ca khúc này được ca sĩ Hoàng Oanh thu âm vào dĩa nhựa đầu tiên, mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Hạ Buồn trước 75

Thập niên 1980, tại hải ngoại, Hoàng Oanh có hát lại Hạ Buồn, trước bài hát cô có ngâm thêm 4 câu thơ:

Hồn tôi đó sân trường nho nhỏ
Nước vôi xanh bờ cỏ tươi màu
Lâu rồi còn thoảng mùi hương
Chân đi nghe động tới hồn ngây thơ…

Mời các bạn nghe lại bản thu âm này:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Hạ Buồn sau 75

Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

—-

Toàn bộ bài viết được đăng trên nhacvangbolero.com hoàn toàn thuộc bản quyền của nhacvangbolero.com, đề nghị ghi rõ nguồn khi copy để tránh những sự cố về khiếu nại bản quyền. Xin cám ơn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here